Xây dựng Văn hóa đọc tại WeUp

Sách – thứ không còn xa lạ với bất kỳ ai. Nhưng để thứ xa lạ ấy trở thành người bạn tri kỷ và mang lại lợi ích tối ưu vốn có thì không phải ai cũng có khả năng và sự sẵn sàng để thực hiện. Tại WeUp, chúng tôi sẽ trao cho mỗi cá nhân cách để xác định mục tiêu, phương pháp và môi trường hướng tới việc xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc để mỗi cá nhân có được cơ hội tốt nhất nhằm phát triển bản thân.

Sách với bạn là gì?

Sách theo khái niệm truyền thống có thể hiểu là 1 tập hợp các tờ giấy thể hiện chữ, hình ảnh được in ấn hoặc viết bằng tay, được buộc lại, dán hoặc ghim với nhau tạo thành 1 vật thể thống nhất. 

Ngày nay, khái niệm sách được mở rộng hơn khi hình thức thể hiện của sách đã có sự thay đổi đa dạng hơn, không chỉ có sách giấy truyền thống mà còn bao gồm cả sách điện tử (ebook) hay sách nói (audio). Tùy thuộc vào nhu cầu và sở thích mà mỗi người sẽ lựa chọn cho mình loại hình sách phù hợp.

Lợi ích của việc đọc và văn hóa đọc – Những điều chúng ta đã lãng quên

Bản thân mỗi người trong chúng ta đều đã hiểu được ít nhiều về những lợi ích của việc đọc sách nói riêng và văn hóa đọc nói chung. Tuy nhiên, hãy cùng WeUp hệ thống lại 1 cách bài bản và khoa học cũng như liệt kê lại những lợi ích có thể chúng ta đã lãng quên của việc đọc nhé.

Kích thích não bộ

Đọc sách hoặc việc đọc nói chung có khả năng giúp kích thích các tế bào nơron thần kinh thường xuyên ở trong trạng thái hoạt động, từ đó giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và Alzheimer, đồng thời tham gia ngăn tình trạng mất năng lượng và tránh lão hóa tế bào thần kinh hiệu quả. Tương tự như bất kỳ nhóm cơ hay cơ quan nào trong cơ thể, bộ não cũng cần phải được tập “thể dục” thường xuyên để luôn trong trạng thái tốt nhất, cũng như câu nói “sử dụng nó hoặc đánh mất nó” mà mọi người vẫn truyền tai nhau.

Tăng cường khả năng tư duy, phân tích, sáng tạo

Khi đọc một cuốn sách, một cuốn tài liệu hay một cuốn truyện hấp dẫn, việc của chúng ta không chỉ là đọc chữ mà còn tư duy, suy ngẫm theo từng con chữ. “Liệu câu này tác giả muốn nói gì?”, “Điều tác giả nói có đúng không”, “Tình tiết truyện rồi sẽ như thế nào?”… Chính những câu hỏi luôn hiện ra trong đầu mỗi chúng ta khi đọc từng trang sách sẽ giúp cho khả năng tổng hợp, phân tích thông tin và đưa ra kết luận, dự đoán của chúng ta cải thiện dần theo thời gian. Đồng thời, khi chúng ta có cơ hội cùng thảo luận, trao đổi với nhau về các cuốn sách, mỗi người sẽ có thể thể hiện được ý kiến của bản thân cũng như khả năng lập luận và thuyết phục của mình.

Trau dồi kiến thức

 Sách và các ấn phẩm đọc là kho tàng tri thức của nhân loại. Bằng việc đọc, chúng ta đã rút ngắn được thời gian tiếp thu tri thức của cả nhân loại. Chính những kiến thức, kỹ năng … đó vào 1 thời điểm thích hợp sẽ chắc chắn giúp mỗi người chúng ta có đủ thông tin để đưa ra được các quyết định quan trọng. Và mỗi chúng ta cần luôn nhớ rằng, dù cho mọi thứ từ tiền bạc, công việc, sức khỏe,… có thể mất đi nhưng kiến thức thì không bao giờ một khi ta đã lĩnh hội và làm chủ được nó.

Cải thiện khả năng tập trung

Trong thế giới hiện tại với vô vàn sự xao nhãng, sách chính là một trong những cách đơn giản nhất để chúng ta tự rèn luyện khả năng tập trung của bản thân. Khi đọc một cuốn sách, một cách rất tự nhiên, toàn bộ sự chú ý của chúng ta sẽ chỉ tập trung vào từng câu chữ trong cuốn sách đó mà dần quên đi sự hiện diện của thế giới xung quanh.

Hoàn thiện nhân cách

Không chỉ cung cấp thông tin, kiến thức đơn thuần, những chia sẻ từ những “con người vĩ đại”, những “người thầy hiền trí” thông qua trang sách có thể giúp cho chúng ta tìm lại và hiểu rõ về bản thân nhiều hơn, hiểu và đồng cảm đối với người khác hơn. Từ đó, chúng ta có thể tìm ra được những mục tiêu lớn của cuộc đời mình, mục tiêu cho chính mình, cho gia đình và cho cả cộng đồng.

Bên cạnh những lợi ích thường thấy đó, việc đọc còn giúp bạn và tôi, mỗi chúng ta tìm được một khoảng thời gian lý tưởng để thư giãn, giải tỏa căng thẳng hay là cách để bản thân rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại. Được coi là một người bạn tri kỷ, sách còn được sử dụng như một cách trị liệu cho “tâm hồn” khi bản thân đã chịu nhiều tổn thương và cần một phương thuốc để chữa lành hiệu quả.

Tại sao mỗi chúng ta nên và cần đọc sách? – Câu trả lời cho câu hỏi lớn “Big why”

Trước khi bắt đầu làm bất cứ một việc gì, mỗi người đều luôn có cho mình 1 lý do, 1 mục tiêu cần đạt được. Nếu mục tiêu đó đủ lớn để làm động lực cho ta vượt mọi khó khăn để đến được đích cuối cùng, đó chính là “Big why” mà chúng ta luôn tìm kiếm.

Đọc sách nói riêng hay việc đọc nói chung cũng vậy. Lợi ích của việc đọc thì ai cũng hiểu rõ, nhưng mỗi người lại tìm đến việc đọc với một lý do riêng. Có người để tìm kiếm thông tin, có người để trao dồi kiến thức chuyên môn, có người để chữa bệnh, nhưng cũng có người chỉ đơn giản là để giải trí…. 

“Tôi cần phải trở thành trưởng phòng vào cuối năm. Vì vậy, tôi sẽ cần học thêm về kỹ năng quản trị, về kiến thức chuyên môn, về khả năng thuyết trình,…”, “Tôi muốn thay đổi bản thân, không muốn mãi ở trong một vòng tròn an toàn dưới sự bao bọc của mọi người.” Hay chỉ đơn giản là “Tôi muốn là chỗ dựa tinh thần, truyền động lực và sự lạc quan cho mọi người”… Mục đích, lý do là vô vàn nhưng tựu chung lại, cái chúng ta cần nhìn thấu và xác định rõ ngay từ đầu chính là “lý do” đủ lớn của chính mình.

How – Làm thế nào để mỗi người tự xây dựng được cho mình thói quen và văn hóa đọc?

Khi thay đổi một thói quen cũ hay bắt đầu một thói quen mới, người ta hay nói đến 2 yếu tố tác động: nội lực và ngoại lực, trong đó nội lực là yếu tố cần và ngoại lực là yếu tố đủ.

Nội lực ở đây chính là động lực từ bản thân mỗi người, là “Big why” để chúng ta hướng tới. Hay nói cách khác, chính là việc chúng ta xác định được chủ đích của bản thân mình khi thực hiện một việc bất kỳ nói chung và khi đọc nói riêng. Nhờ đó, ta có thể kiên trì, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để đạt được tới mục tiêu cuối cùng. Bạn muốn thành công, bạn muốn giúp ích cho cộng đồng, hay gần hơn là bạn muốn có chỗ đứng trong chính công ty, tổ chức của mình. Mục tiêu đó không quan trọng lớn nhỏ, chỉ cần bạn xác định rõ ràng và kiên định với nó, bạn đã đặt được bước chân đầu tiên cũng là quan trọng nhất trong hành trình xây dựng văn hóa đọc của bản thân mình.

Sau khi đã có cho mình một lý do để bản thân “đổ mồ hôi, sôi nước mắt rồi” thì hãy để mọi việc nhẹ nhàng hơn một chút. Hãy bắt đầu việc đọc của bạn với những thể loại mà bạn yêu thích. Có thể là những cuốn sách về kiến thức chuyên môn, những bài giảng về kỹ năng hay những tác phẩm truyền đồng lực,… Chỉ cần bạn lựa chọn để bắt đầu, như vậy là bạn đã hoàn thành một cách thành công bước tiếp theo của cuộc hành trình.

Đã có điều kiện cần để bắt đầu, bây giờ chúng ta sẽ cần điều kiện đủ để duy trì và phát triển thói quen, văn hóa đọc sách của bản thân – đó chính là ngoại lực. Ngoại lực ở đây có thể chia làm 2 nhóm yếu tố thường gặp đó là đội nhóm và môi trường. 

  • Đội nhóm
  • Hỗ trợ – Giám sát: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, một cá nhân thực hiện công việc khi có sự hỗ trợ đồng thời là sự giám sát từ một cá nhân, đội nhóm khác thì hiệu quả của công việc sẽ tăng lên một cách rõ rệt. Sự hỗ trợ cần thiết khi bản thân người thực hiện gặp khó khăn. Còn sự giám sát hay trách nhiệm thúc giục khiến không chỉ một cá nhân mà toàn bộ thành viên trong nhóm đều luôn trong trạng thái hoạt động và cùng hướng tới mục tiêu chung.
  • Sự cam kết: Sự cam kết chính là một lời hứa không chỉ với bản thân mà còn với toàn bộ thành viên trong nhóm. Nó thể hiện trách nhiệm và khả năng thực hiện của mỗi người. Cũng là mục tiêu mà chúng ta hướng tới. Sự cam kết thường được cụ thể hóa bằng các con số nhằm dễ dàng cho việc đo lường, đánh giá (như thời gian đọc mỗi ngày, tần suất đọc mỗi tuần, số quyển sách đọc được mỗi tháng,…) và thường đi kèm với các chế tài như “hành lang pháp lý” để việc thực hiện nằm trong một khuôn khổ mà chúng ta hướng tới.
  • Hoạt động định kỳ: Một vài hoạt động định kỳ là cần thiết để mỗi cá nhân đa dạng được các “tiểu” mục tiêu của bản thân, tránh nhàm chán cũng như là cơ hội để mọi người có thể trao đổi quan điểm, kinh nghiệm, ý kiến,… giúp mỗi người tự hoàn thiện hơn.
  • Môi trường: Việc đọc cũng như làm việc, sẽ cần môi trường, không gian phù hợp để chúng ta có thể đạt được hiệu quả tốt nhất. Những thay đổi nhỏ về địa điểm đọc như tại nhà sách, quán cafe, thư viện,… hay về thời gian như sáng sớm, khi hoàng hôn hay một chút thời gian trước khi đi ngủ,… chắc chắn sẽ giúp cho việc đọc trở lên thú vị và tạo hứng thú hơn rất nhiều.

Cách chúng tôi xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc tại WeUp

Tại WeUp, chúng tôi đề cao việc phát triển từng cá nhân. Và văn hóa đọc chính là một trong những phương pháp hiệu quả để thực hiện điều đó.

Cùng nhập môn nào!

Bắt đầu bằng các buổi đào tạo nội bộ với chủ đề về văn hóa đọc. Mỗi cá nhân sẽ được cùng thảo luận, trao đổi và nghe những chia sẻ từ các anh chị quản lý, những người đi trước về những trải nghiệm của bản thân đối với việc đọc, về những thay đổi to lớn mà bản thân mỗi người đã trải nghiệm để mỗi người thực sự cảm thấy được sự cần thiết và tìm được cảm giác yêu thích, mong muốn đối với việc đọc. Qua từng câu chuyện, từng lời dẫn dắt, chúng ta sẽ dần tự tìm ra được cho mình một “Big why” – lý do đủ lớn – là điểm đến đầy hứa hẹn mà chúng ta sẽ dành mọi nỗ lực để đạt được.

Không chỉ có vậy, rất nhiều tip hay ho về việc chọn sách, cách đọc sách hay những câu chuyện vui bên lề cũng được chia sẻ trong các buổi đào tạo để việc đến với sách, với văn hóa đọc sẽ thật nhẹ nhàng mà lại hiệu quả.

Mục tiêu đã có rồi, bước tiếp theo là gì nhỉ? 

Hành động thôi!

Song song với văn hóa tập thể dục, để việc đọc được “đưa vào khuôn khổ” thì mỗi cá nhân sẽ tự set cho mình một “tiểu mục tiêu” hàng tuần, hàng tháng và lên kế hoạch để thực hiện mục tiêu đó. Đừng quá lo lắng vì sợ rằng bản thân bạn không thực hiện được mục tiêu đó. Những mini goal này có thể chỉ đơn giản là dành ra 15 – 20p mỗi ngày cho việc đọc hay trước khi đi ngủ sẽ đọc 10 trang sách thay vì lướt điện thoại… Bạn thấy đơn giản chưa nào? Vì vậy, đừng cảm thấy chùn bước khi nghĩ rằng bản thân phải cam kết một điều gì đó thật to lớn nhé. Quan trọng là bạn đã set mục tiêu và quyết tâm thực hiện nó.

Nhưng đừng vì mục tiêu nhỏ mà lơ là nhé. Cam kết là cam kết! Dù là nhỏ thì nó vẫn cần có tính kỷ luật, kỷ luật với bản thân và với WeUp. Bởi cách bạn thực hiện một việc chính là cách bạn thực hiện mọi việc. Việc bạn cam kết và hoàn thành mục tiêu chính là cách bạn thể hiện với tập thể bản thân là người có trách nhiệm và có thể hoàn thành mọi công việc được giao. Vậy là được thêm ngôi sao lấp lánh trong mắt sếp lớn rồi 🙂

Nhưng đọc một mình có vẻ nhàm chán nhỉ? Đừng lo, tại WeUp bạn sẽ luôn có “đồng bọn” để thực hiện mọi việc. Mỗi cá nhân sẽ có các thành viên khác để hỗ trợ cũng như giám sát, vừa để bản thân có động lực, lại có thêm áp lực khi việc thực hiện của mình sẽ ảnh hưởng tới thành viên khác. Chính điều này sẽ giúp cho cả tập thể của WeUp có thể đồng lòng đồng thuận tiến lên cùng nhau mà không bỏ ai lại phía sau.

Cùng với đó, định kỳ 2 lần trong 1 tháng sẽ có một buổi review sách nho nhỏ để các thành viên có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình về một cuốn sách tâm đắc, hay quan điểm, trải nghiệm của mình về một điều đúc rút được qua một tác phẩm. Chính những cơ hội như thế này sẽ giúp cho bạn có thể thể hiện được cái tôi của bản thân, cũng như khả năng diễn giải, thuyết phục người khác. Hay từ chính những chia sẻ của các thành viên khác, bạn lại tìm thấy một cuốn sách khá hay ho mà bản thân đang tìm kiếm hoặc nhận ra bấy lâu nay mình đã suy nghĩ sai về một điều gì đó. Mọi điều đều có thể xảy ra từ những điều nhỏ nhất. Không phải thật đáng mong đợi hay sao?

Từ những điều nhỏ nhặt nhất, WeUp giúp bạn tạo dựng cho mình văn hóa đọc của chính bản thân để tự tìm thấy điểm xuất phát, điểm tựa và từ đó phát triển không ngừng hướng tới mục tiêu mà bạn luôn mong muốn.

WeUp – Growth & Happiness

HỢP TÁC ĐỒNG HÀNH

Hành động nhỏ tạo ra sự khác biệt lớn. Hãy cùng nhau hành động vì một cộng đồng Phát triển & Hạnh phúc bền vững!