Chiến thắng “Tiếng nói nhỏ” trong bạn khi xây dựng thói quen, kỹ năng mới tại WeUp
Trong công việc và cuộc sống, phần lớn những gì chúng ta làm đều là sản phẩm của các thói quen. Thói quen hình thành khi bạn lặp lại một hành động, suy nghĩ gì đó liên tục trong thời gian dài. Nó có thể hình thành trong 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng… tuỳ vào hoàn cảnh môi trường và cường độ bạn lặp lại.
Các thói quen tốt sẽ giúp bạn phát triển, giúp bạn thành công. Nhưng những thói quen xấu có thể phá hoại cuộc đời bạn chỉ trong giây phút. Do đó, nếu bạn muốn thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào, bạn cũng phải thành công trong việc xây dựng những thói quen tư duy, thói quen hành động mang tính chất tích cực.
Thế nhưng, khá khó khăn để xóa đi thói quen cũ và thiết lập một thói quen mới. Liệu có phải là vì cuộc sống hiện đại đã khiến chúng ta trở nên lười biếng không? Và tại sao hình thành một thói quen hay một kỹ năng mới lại khó đến thế? Điều gì đã ngăn cản chúng ta thay đổi? Tại sao chúng ta có quyết tâm thay đổi cuộc sống của mình nhưng cuối cùng lại không đạt được nó? Và quan trọng hơn là chúng ta có thể làm gì để khắc phục những điều này?
“Tiếng nói nhỏ” của chính mình
Đã bao giờ bạn định làm một việc gì đó nhưng lại không làm? Định làm rất nhiều thứ trong cuộc đời này nhưng lại thấy có tiếng nói nhỏ vang lên trong đầu để cản trở, bào chữa, đổ lỗi?
Bạn có một ý tưởng tuyệt vời và ngay lập tức giọng nói này chợt vang lên trong đầu bạn. “Ừ, nhưng…” theo sau bởi hàng tá lý do tại sao nó không thể thực hiện.
Ví dụ định sáng dậy đi tập thể dục nhưng sau đó mình lại nói với bản thân: “Thôi mai tập” hay là “Ôi giồi ơi tập làm gì ngủ thêm tí nữa đã đến giờ đâu, thôi hôm nay mưa không tập mai tập bù…” Hay bạn định đi học tiếng anh nhưng lại không có tiền, định bán hàng nhưng lại sợ thua lỗ, sợ người khác chê cười, sợ không thành công… Tất cả những điều này chính là những thứ bạn nói với cơ thể hàng ngày và khi bạn đang nói thì bạn không có hành động nữa. Vậy tại sao chúng ta cần chiến thắng tiếng nói nhỏ của chính bản thân mình. Âm thanh nào bạn đang nói trong cơ thể hàng ngày:
- Tôi thật là tuyệt vời
- Tôi nhất định làm được
- Tôi tự tin
- Chuyện nhỏ
- Tôi sẽ thành công…
Hay bạn sẽ nói:
- Sao cuộc đời tôi khổ thế?
- Tôi không làm được
- Tôi mệt lắm
- Tôi làm gì có thời gian
“Giọng nói nhỏ” trong đầu bạn luôn luôn gieo những hạt giống tồi tệ nhất vào bất cứ khi nào có thể – thông thường là những khi bạn đang suy nghĩ về việc thực hiện một ý tưởng tuyệt vời mới hoặc thực hiện một giấc mơ bạn mong muốn đạt được. Và cốt lỗi của thành công chính là bạn nhận ra trong đầu bạn đang vang lên, điều gì đang cản trở và mình đã nói với cơ thể điều gì? Đôi khi bạn sợ hãi, bạn trì hoãn một việc nào đó thì bạn nhận ra “À, thì ra đây là tiếng nói nhỏ” của chính mình.
Làm thế nào để bạn chiến thắng được “tiếng nói nhỏ” của chính mình?
“LÝ DO ĐỦ LỚN thì con đường sẽ được mở ra”.
Mỗi việc chúng ta làm đều hướng đến một điều gì đó và đều vì một lý do nào đó, đó chính là “Big Why” – lý do đủ lớn để thôi thúc chúng ta hành động và duy trì để hình thành thói quen. Giả dụ việc rèn luyện sức khỏe, rèn luyện sức khỏe là để tốt cho bản thân nhưng chắc hẳn nhiều người vẫn cần phải có lý do để có thể thực hiện và duy trì nó. Và cũng sẽ có rất nhiều lý do được đưa ra khiến việc rèn luyện sức khỏe bị trì hoãn, cản trở, những lúc như này mỗi người hãy nghĩ đến cái Big Why mình đã đặt ra không chỉ cho riêng mình mà còn vì chính những người thân của mình vì thứ quý giá nhất trong cuộc đời này chính là sức khỏe. Khi có sức khỏe trước hết bạn là người được “hưởng lợi” từ việc đó, sau đấy bạn có thể chăm sóc cho bố/mẹ, vợ/chồng, con cái của bạn…
Hãy bước ra khỏi “Vòng tròn thoải mái” của chính mình!
Não bộ của chúng ta thường có xu hướng thực hiện những hành động, suy nghĩ khiến chúng ta cảm thấy thoải mái hay còn gọi là VÙNG AN TOÀN. Đây là một tập hợp các hành động, suy nghĩ khiến bạn cảm giác thoải mái, an toàn nhất khi ở trong đó.
Ví dụ: Vùng an toàn một ngày của bạn là: Thức dậy vào 7h sáng, 7h30 đi làm và có mặt ở công ty lúc 7h50. Chiều 17h30 ở công ty về, 23h đi ngủ và ngày hôm sau lặp lại y như vậy. Ngày này qua ngày khác. Dần dần, thói quen được hình thành.
Nhưng thật tệ ở chỗ, bạn không dám bước ra khỏi nó, bạn đang SỢ HÃI hay chính bạn đang NGẠI làm việc đó? Sự thật là bạn cần phải THAY ĐỔI, thay đổi từ cách TƯ DUY đến HÀNH ĐỘNG.
Việc ở trong “Vòng tròn thoải mái” quá lâu sẽ khiến bạn thui chột tài năng, kĩ năng cũng như năng suất của chính mình. Bạn sẽ dần dần hài lòng với những gì mình đã làm được, bạn chấp nhận những thói quen cũ trong quá khứ. Bạn cho rằng những thói quen ấy thế là đã tốt rồi, được rồi và bạn sẽ mất dần động lực, ý chí, tham vọng và khát khao thay đổi để rèn luyện và hình thành cho mình những thói quen, kỹ năng mới. Hay nói một cách khác, bạn cho phép bản thân mình “mắc kẹt ở những thói quen cũ”. Và theo quy luật tất yếu của cuộc sống, nếu bạn không tiến lên thì bạn sẽ đi thụt lùi, và bạn sẽ tự đào thải chính bản thân mình.
Tuy nhiên, nếu đặt mục tiêu ở “Vòng tròn sợ hãi”, chúng có thể khiến bạn sợ hãi nhiều hơn và không làm được gì vì tại đây bạn phải chịu rất nhiều trở ngại, khó khăn, và bạn có thể cũng chưa sẵn sàng về nhiều mặt để vượt qua những trở ngại đó… Đặt mục tiêu ở vòng này sẽ khiến mục tiêu dễ trở thành một mục tiêu không khả thi, khiến bạn lo lắng và sợ hãi nhiều hơn là có động lực.
Nếu đặt mục tiêu ở “Vòng học tập” có thể nó sẽ khó, hơi vượt quá sức của bạn nhưng bạn biết bạn có thể làm được nếu thực sự nỗ lực 100% (thậm chí là hơn) và lên kế hoạch chi tiết, biết mình cần làm gì và phát triển/bổ sung/khắc phục điều gì… Việc đặt mục tiêu ở vòng này cũng sẽ đáp ứng tiêu chí “Thử thách” nhưng cũng “Khả thi”
Còn nếu đặt mục tiêu ở “Vòng tròn thoải mái” hay còn gọi là VÙNG AN TOÀN thì sẽ không có gì để nói. Bạn chẳng cần phải nỗ lực gì nhiều, và mục tiêu cũng không đem lại cho bạn tí động lực hay khát khao chiến thắng, chinh phục mục tiêu. Bạn chỉ làm theo những cách đó giờ mình vẫn làm. Và cuộc sống của bạn sẽ không thể nào khác hơn nếu bạn cứ làm những gì mà đó giờ mình vẫn làm.
Bạn được gì khi bước ra khỏi “Vòng tròn thoải mái”?
Khi bạn bước ra “Vòng tròn thoải mái”, đồng nghĩa với việc bạn sẽ đương đầu với những khó khăn, thử thách lớn hơn – những trở ngại mà bạn chưa gặp trước đây bao giờ – để rèn luyện thói quen, kỹ năng mà bạn đang mong muốn thiết lập.
Khi bạn bắt đầu rèn luyện cho mình một thói quen, kỹ năng mới, ắt hẳn bạn sẽ cảm thấy chưa quen, thậm chí sẽ là khó chịu, sợ hãi và có xu hướng né tránh sự thay đổi, chỉ muốn quay lại “Vòng tròn thoải mái” của mình. Đó là lúc “Vòng tròn thoải mái” của bạn còn nhỏ, giới hạn chịu đựng, sức mạnh bên trong, sự bản lĩnh của bạn dường như chưa có, bạn sẽ “nhạy cảm” với bất kì khó khăn hay bất kì sự thay đổi nào.
Quay lại ví dụ của việc tập thể dục, những ngày đầu bạn sẽ cảm thấy cơ thể của mình “gào thét” bằng những cơn đau, mỏi, những trận ốm… Nếu bạn không có nghị lực, ý chí và lý do của bạn không đủ lớn bạn sẽ từ bỏ và ngày hôm sau không tập nữa. Nhưng ngược lại, khi bạn có lý do đủ lớn để vượt qua những rào cản đó bằng một sự quyết tâm cao độ bạn sẽ bỏ qua tất cả những điều đó để tiếp tục hành động.
Khi bạn bước ra khỏi “Vòng tròn thoải mái” để tiến gần hơn đến “Vòng tròn học tập”, bạn sẽ luôn ý thức được rằng: “Làm thế nào để mình có được thói quen, kỹ năng này”, “Còn cách nào làm tốt hơn nữa không?”, bạn sẽ luôn tìm cách để đạt được mục tiêu mình đã đặt ra và vượt qua nó. Lúc này, lý do và nghị lực của bạn đủ lớn sẽ giúp bạn không đơn giản là hoàn thành đúng mong đợi mà còn là làm trên mong đợi. Đó chính là điều sẽ tạo nên sự khác biệt của bạn với người khác.
Và“trăm nghe không bằng tay quen”, một khi bạn đã làm đi làm lại thường xuyên, luyện tập nhiều lần thì bạn sẽ quen và thuần thục hơn. Từ đó bạn sẽ xây dựng được một thói quen mới tích cực hơn, hoặc học hỏi và rèn luyện được một kĩ năng mới hơn.
“Vòng tròn học tập” lúc này sẽ lại biến thành “Vòng tròn thoải mái”. Chỉ có điều “Vòng tròn thoải mái” này đang được mở rộng ra hơn. Tiếp tục, bạn sẽ lại bước ra khỏi “Vòng tròn thoải mái” để bước tới “Vòng tròn học tập”. Và cứ như thế… bạn sẽ ngày càng thuần thục và phát triển khả năng thích ứng và làm quen với sự thay đổi của mình và chạm tới “Vòng tròn trưởng thành”.
Tạo động lực cho chính mình
Nhiều người tin rằng nếu chúng ta chờ đợi, động lực sẽ đến. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ thức dậy và hừng hực quyết tâm tập luyện. Điều đó chỉ là sự huyễn hoặc! Sự thật là chúng ta cần tạo ra động lực cho chính mình, bằng cách:
Đặt Mục tiêu
Mục tiêu là cái đầu tiên bạn cần đặt ra để rèn luyện thói quen, kỹ năng mới cho mình. Dù đó là mục tiêu giảm cân hay tăng cơ bắp, bất cứ điều gì mang lại cho bạn một lý do để tăng động lực tập luyện. Và đừng nghĩ rằng bạn phải đặt ra một mục tiêu duy nhất. Bạn có thể đặt nhiều mục tiêu, tùy theo thời điểm.
Hãy đặt mục tiêu ngắn và dài hạn: Mục tiêu hàng ngày: Tôi sẽ đi bộ 20 phút hôm nay
Mục tiêu hàng tuần: Tôi sẽ có tối thiểu 3 lần tập luyện trong tuần này hoặc thậm chí là các mục tiêu hàng giờ: Tôi sẽ đứng dậy sau khi làm việc 45 phút và đi một vòng quanh văn phòng…
Kỷ luật với bản thân
Điều phi thường, hay một thay đổi ngoạn mục không đến sau một đêm tỉnh dậy, nó là kết quả của một quá trình thực hiện Kiên trì — Liên tục và Đúng phương pháp. Kiên trì và Liên tục ở đây chính là tính kỷ luật. Bạn cần phải cam kết với bản thân mình kiên trì theo đuổi một mục tiêu hay thói quen gì đó cho đến khi đạt được mục tiêu.
Sẵn sàng thay đổi
Bạn cần có tất cả những gì bạn cần chuẩn bị sẵn sàng trước. Ví dụ, lên kế hoạch thời gian và địa điểm tập luyện, chuẩn bị đồ tập, “thước đo” kết quả…. Loay hoay chuẩn bị sẽ lấy mất thời gian tập luyện quý báu và lấy luôn nhuệ khí của bạn!
Linh hoạt
Bạn cần thói quen, nhưng đừng quá cứng nhắc. Hãy dành chỗ cho sự linh hoạt. Ví dụ, trời mưa có thể khiến kế hoạch chạy bộ ngoài trời biến thành chạy trên máy trong nhà. Cũng sẽ có những ngày bạn quá mệt mỏi hoặc không có thời gian, khi đó bạn cần giảm bớt mục tiêu tập.
Hãy luôn có kế hoạch dự phòng. Ví dụ, nếu bạn quá mệt, hãy xen kẽ chạy bộ và đi bộ. Nếu bạn phải làm việc muộn, hãy xem liệu bạn có thể đi bộ nhanh vào giờ trưa, hoặc sử dụng giờ nghỉ để đi bộ hay không?
Cam kết với chính mình
Rèn luyện thói quen mói không phải là quyết định bạn đưa ra một lần, đó phải là quyết định của bạn mỗi ngày. Dành vài phút mỗi sáng để nhắc nhở bản thân về mục tiêu, hình dung hoặc viết ra những bài tập bạn muốn thực hiện ngày hôm đó.
Trở lại với ví dụ rèn luyện sức khỏe, bạn cần theo dõi tiến trình thay đổi của mình bằng cách ghi nhật ký. Ghi chú về cân nặng, về chế độ ăn, về những ưu điểm và nhược điểm hiện tại của bạn.
Phần thưởng
Hãy tự thưởng cho bản thân khi bạn đạt được mục tiêu. Phần thưởng có thể là một cái gì đó nhỏ, như mua một chiếc áo, xem một bộ phim. Nhưng cũng đừng quên tìm kiếm các phần thưởng nội tại: sự tự tin, sự hài lòng khi chiến thắng bản thân, khi chinh phục được những mục tiêu và thử thách.
Động lực của bạn có thể thay đổi từ ngày này sang ngày khác. Hãy đào sâu tìm tòi để nhận ra mục tiêu hoặc phần thưởng nào sẽ giúp bạn trong ngày hôm nay. Hãy làm cho động lực duy trì dễ dàng hơn bằng cách loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, những “tiếng nói nhỏ” cứ âm vang trong đầu của bạn. Nhưng trên hết, hãy tin rằng tất cả những điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn thực hành. Cứ bắt tay vào tập luyện, đi từng bước một, chậm mà chắc, bạn sẽ dần dần thắp lên ngọn lửa từ một ngọn nến nhỏ. Không gì thú vị bằng khi mình trở thành “nhà thiết kế” bản thân và tương lai của chính mình. Không gì tuyệt vời hơn mỗi sáng thức dậy, bạn đều nhận thức rõ về mục tiêu của mình và được dẫn dắt bởi những thói quen đúng đắn.
Bằng làm chủ các thói quen, nhận thức rõ về bản thân, bạn đang hoàn thiện mình hàng ngày. Mỗi ngày, bạn sẽ cảm nhận được mình tốt hơn một chút; và biết đâu một năm sau nhìn lại, bạn đã hoàn toàn thay đổi và nâng cấp lên trở thành một “phiên bản hoàn thiện hơn của chính mình”. Tất cả việc bạn cần làm là ngay bây giờ cầm bút lên, liệt kê ra Những thói quen xấu cần thay thể và Thói quen tốt muốn rèn luyện. Và sau đó, hãy kiên trì với chúng trong thời gian tối thiểu là 1 tháng. Chỉ đơn vậy thôi, bạn sẽ không biết điều gì đang tiềm ẩn trong bạn đâu. Và bạn sẽ thành công tại Weup!
Cánh cửa WeUp luôn mở và chào đón các bạn cùng gia nhập!
Bạn không thể thay đổi thế giới nhưng bạn có thể thay đổi chính mình. Gia nhập Weup cùng chúng tôi xây dựng những thói quen, kỹ năng mới, cùng chúng tôi thực hiện văn hóa cùng nhau học tập, rèn luyện và cùng nhau phát triển. Và cùng chúng tôi thử thách chính mình, vượt qua giới hạn của bản thân và tận hưởng thành quả với chiến thắng vinh quang – chiến thắng chính mình, biến những giấc mơ trở thành hiện thực.